`

 

PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXXIII Thứ 2 và Thánh Albertô Cả 15/11


 

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 1, 11-16. 43-45. 57-60. 65-67

 

"Dân Israel phải chịu một cơn thịnh nộ khủng khiếp".

 

Trích sách Macabê quyển thứ nhất.

 

Trong những ngày ấy, bởi dòng các vua Hy-lạp sinh ra một mầm mống tội lỗi, là Antiôcô Êpiphan, con vua Antiôcô, trước kia bị bắt làm con tin tại Rôma; năm vương quốc Hy-lạp một trăm ba mươi bảy, ông lên ngôi vua.

 

Thời đó từ Israel cũng xuất hiện một số người bất lương mê hoặc được nhiều người, chúng nói rằng: "Này, ta hãy giao ước với các dân ở chung quanh chúng ta, vì từ ngày chúng ta đoạn giao với các dân ấy, chúng ta đã gặp nhiều tai hoạ". Họ cho lời nói ấy là đúng. Một số trong dân chúng hối hả đi yết kiến nhà vua và được nhà vua cho phép tuân giữ các luật lệ của dân ngoại. Họ liền xây cất một thao trường ở Giêrusalem theo tập quán của dân ngoại; họ tìm cách huỷ bỏ vết tích của phép cắt bì, chối bỏ Giao Ước thánh để rồi giao ước với kẻ ngoại. Họ tự bán mình để làm sự dữ.

 

Vua Antiôcô ra chiếu chỉ khắp nước truyền cho mọi dân hợp thành một dân và mỗi dân phải bỏ tục lệ riêng mình; tất cả các dân ngoại đều tuân lệnh nhà vua. Nhiều người Israel cũng sẵn sàng theo việc phượng tự của nhà vua, họ liền hiến tế cho ngẫu tượng và phế bỏ ngày sabbat.

 

Ngày rằm tháng Kislêu, năm một trăm bốn mươi lăm, vua Antiôcô đặt một ngẫu tượng ghê tởm ngay trên bàn thờ dâng của lễ toàn thiêu. Người ta cũng lập nhiều bàn thờ khác trong các thành lân cận của Giuđa: người ta đốt hương cúng tế trước cửa nhà và ở các công trường. Hễ gặp thấy sách luật nào, họ xé nát và đem đốt đi. Nếu người ta bắt gặp sách giao ước trong nhà người nào hoặc bắt gặp kẻ nào giữ Luật Chúa, thì kẻ ấy sẽ bị xử tử theo đúng chiếu chỉ của nhà vua. Nhưng cũng có nhiều người Israel tỏ ra kiên quyết, và nhất định không ăn của gì dơ nhớp; họ thà chết chẳng thà làm cho mình ra ô uế bởi của ăn dơ và phạm đến Giao Ước thánh, và quả thực họ đã chết. Dân Israel phải chịu một cơn thịnh nộ khủng khiếp.

 

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 118, 53. 61. 134. 150. 155. 158

 

Ðáp: Lạy Chúa, xin bảo toàn cho con sống, và con sẽ tuân giữ lời nghiêm huấn của Ngài (x. c. 88).

 

Xướng: 1) Con nổi cơn uất hận vì những người tội lỗi, bọn chúng bỏ rơi luật pháp của Ngài. - Ðáp.

 

2) Thừng chão bọn ác nhân đã trói buộc con, nhưng con chẳng lãng quên luật pháp của Ngài. - Ðáp.

3) Xin Chúa cứu con khỏi người ta áp bức, để con tuân giữ các huấn lệnh của Ngài. - Ðáp.

 

4) Những kẻ bách hại con cách độc ác đang tiến lại gần, bọn chúng sống xa pháp luật của Chúa. - Ðáp.

 

5) Ơn cứu độ của Chúa xa bọn ác nhân, vì chúng chẳng lo giữ những thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.

 

6) Nhìn thấy những kẻ phản bội mà con chán nản, vì chúng không tuân giữ lời sấm của Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: Lc 16, 31

 

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 18, 35-43

 

"Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? - Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

Khi Chúa đến gần thành Giêricô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Khi nghe tiếng đám đông đi qua, anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Ðức Giêsu Nazareth đang đi qua. Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi!" Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: "Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi!" Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: "Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?" Anh thưa: "Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy". Chúa Giêsu bảo anh: "Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi". Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.

 

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy nghiệm Lời Chúa 

Một vũ điệu thần linh tuyệt vời 

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên, cũng là bài Phúc Âm theo Thánh Marco (10:46-52) được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật XXX Thường Niên Năm B, về phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu "cho một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường".

 

Tuy nội dung của 2 bài Phúc Âm này được cả hai Thánh Ký Marco và Luca thuật lại giống nhau, nhưng về chi tiết hơi khác nhau một chút. Chẳng hạn ở những chi tiết rõ ràng sau đây:

Trước hết, về nơi xẩy ra phép lạ Chúa, trong khi Thánh ký Marco thuật lại rằng "Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô", thì Thánh ký Luca trong bài Phúc Âm hôm nay lại viết rằng "Chúa đến gần thành Giêricô".

 

Sau nữa, về bản thân của nạn nhân mù lòa ngồi ăn xin bên vệ đường ở thành Giêricô này, trong khi Thánh ký Marco (một vị thánh ký viết Phúc Âm ngắn nhất trong bộ 3 Phúc Âm Nhất Lãm, nhưng lại khá chi tiết về các biến cố xẩy ra) cho biết rõ lý lịch của nạn nhân là "con ông Timê tên là Bartimê", thì Thánh ký Luca lại chẳng nói gì hết.

 

Còn nữa, về thái độ của người mù ngồi ăn xin bên vệ đường này, trong khi Thánh ký Marco cho biết rõ chi tiết về phản ứng của nạn nhân khi nghe thấy mình được Chúa Giêsu gọi đến là "anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu", thì Thánh ký Luca lại chỉ vắn tắt viết: "anh đến gần bên Người".

 

Sau hết, về lời truyền chữa lành của Chúa Giêsu phán cùng nạn nhân, trong khi Thánh ký Marco ghi lại rằng: "Ðược, đức tin của anh đã chữa anh", thì Thánh ký Luca ở đây lại chi tiết hơn Thánh ký Marco một chút như thế này: "Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".

 

Ngoài ra, cả hai vị Thánh ký đều giống nhau ở thái độ của nạn nhân là khi nghe biết có Chúa Giêsu ở đấy thì van xin, và càng bị trấn át thì càng la to hơn, cho đến khi được Người gọi đến, và cũng giống nhau ở câu đối đáp giữa Chúa Giêsu và nạn nhân trước khi phép lạ xẩy ra, đó là Chúa Giêsu hỏi nạn nhân muốn Người làm gì cho nạn nhân và nạn nhân đã xin Người phục quang cho mình. 

 

Ở đây, để thêm vào các suy niệm và suy diễn đã được chia sẻ cho Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XXX Thường Niên Chu Kỳ Bcó hai chi tiết khiến chúng ta suy nghĩ không ít:

 

Chi tiết thứ nhất liên quan đến đấng chữa lành, đó là "Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người", và chi tiết thứ hai liên quan đến nạn nhân được chữa lành: "anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa".

 

Thật vậy, đây là quả là một vũ điệu thần linh tuyệt vời. Ở chỗ, tác động thần linh từ Đấng Chữa Lành đã được phản hồi hết sức tương xứng bằng một đáp ứng thần linh từ nạn nhân được chữa lành. 

 

Nạn nhân trước khi được chữa lành không hề dám tự động quẳng áo choàng đứng lên tiến đến gần Chúa Giêsu khi thoạt tiên vừa nghe thấy Người đến gần chỗ nạn nhân đang ngồi ăn xin, mà chờ đợi cho tới khi được Người gọi tới. Thái độ cứ ngồi yên một chỗ đợi chờ không phải là thái độ không nhiệt tình, mà là một thái độ tin tưởng hơn hết, ở chỗ, một đàng thì kêu la van xin cho bằng được, trong khi lại ngồi yên tại chỗ như thể nạn nhân cảm thấy mình hoàn toàn bất xứng không đáng đến gần Chúa Giêsu, cũng như bất lực không thể nào làm gì được nếu không có Người. 

 

Đúng thế, tác động thần linh bao giờ cũng đến trước đáp ứng thần linh của thụ tạo, như yếu tố thiết yếu và điều kiện bất khả thiếu để thụ tạo nhờ đó và do đó mới có thể bị động, mới có thể cảm động và mới có thể di động theo tác động thần linh. Bởi thế, chỉ khi nghe thấy Chúa Giêsu truyền gọi, nạn nhân mù lòa ngồi ăn xin bên vệ đường ở thành Giêricô này mới đến được và được đến với Người. 

 

Thực tế sống đạo cũng cho thấy thực tại này, ở chỗ, những ước muốn tốt lành của chúng ta cũng cần phải được Thiên Chúa tác động trước, hơn là tự chúng ta có được, vì chúng ta theo bản tính tự nhiên đã bị hư đi theo nguyên tội, luôn hướng hạ hơn là hướng thượng. Một khi chấp nhận ước muốn tốt lành bởi tác động thần linh khởi động ấy, chúng ta mới bày tỏ lòng khát vọng của chúng ta bằng lời cầu nguyện, nhờ đó Thiên Chúa được dịp ban cho chúng ta chính những gì Ngài đã muốn ban nên đã soi động chúng ta ước muốn trước khi van xin. 

 

Cuộc hội ngộ thần linh trong bài Phúc Âm hôm nay đã xẩy ra một cách hết sức ngoạn mục. Ở chỗ, nạn nhân kháo khát được chữa lành, trong khi Thiên Chúa vô cùng nhân hậu đã sẵn muốn chữa lành cho nạn nhân rồi, và chỉ chờ đến giờ của mình là ra tay lập tức, tức là cho đến khi nghe thấy nạn nhân kêu xin mình thì đáp ứng ngay, như thể Đấng Chữa Lành thụ động còn nạn nhân chủ động, như xẩy ra trong trường hợp được bài Phúc Âm hôm nay thuật lại. 

 

Nạn nhân mù ngồi ăn xin hằng ngày ở thành Giêricô tên Bartimê này, chắc đã lâu lắm rồi, với một thân phận nghèo khổ và tương lai mịt mù như bóng tối hằng che phủ đôi mắt của nạn nhân, có ngờ đâu lại bất ngờ được gặp và gặp được Đấng chữa lành cho mình, và như thế, quả thực cuộc đời của nạn nhân đã được Thiên Chúa sử dụng để tỏ mình Ngài ra, giống hệt như trường hợp của người mù từ lúc mới sinh trong Phúc Âm Thánh ký Gioan (9:3).

 

Phải chăng cảm nhận được như vậy, nạn nhân diễm phúc này đã không còn thiết gì thế gian này nữa, vì nạn nhân được sáng mắt không phải chỉ thấy được ánh sáng tự nhiên mà nhất là thấy được chính "ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), một thứ ánh sáng thần linh ban sự sống đã chữa lành cho nạn nhân, và vì thế nạn nhân đã "đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa"? 

 

Bản thân của nạn nhân đã trở thành một cuộc thần hiển cho Thiên Chúa tỏ mình ra, chẳng những cho chính nạn nhân, mà còn cho cả cộng đồng gần xa của nạn nhân nữa. Mục đích của Thiên Chúa ban ơn cho bất cứ một ai không phải chỉ cho riêng người đó mà còn qua người đó cho các người khác nữa. Bao giờ cũng thế. Đó là nguyên tắc và đường lối tỏ mình ra của Ngài. Bởi thế, bài Phúc Âm hôm nay đã kết luận như sau: "Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa".

Chưa hết, nếu để ý chúng ta còn thấy người mù ăn xin bên vệ đường này phải là một con người có một đời sống nội tâm siêu việt, được bộc lộ ra qua lời van xin của anh ta ngỏ cùng Đấng mà anh ta tin có thể chữa lành cho anh ta: "Lạy ông Giêsu, con Vua Đavít, xin  thương xót tôi" (lần hai cũng thế, tuy không còn lập lại tên Giêsu).

Tại sao anh mù ăn xin này lại kêu lên câu này, một câu nói cho thấy tất cả đức tin chân thực của anh ta vào nhân vật Giêsu Nazarét, một nhân vật lần đầu tiên anh được gặp dù không thấy nhưng vẫn tin, tin hơn cả thành phần lãnh đạo tôn giáo của dân Do Thái và tin hơn cả thành phần thông luật và dạy luật trong dân nữa, nếu không phải là vì anh ta tin rằng nhân vật "Giêsu" ấy chính là Đấng Thiên Sai Cứu Thế, Đấng được sai đến không phải để giải thoát dân Do Thái khỏi quyền lực chính trị như hầu hết dân chúng mong đợi, mà là để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Và vì sự chết và đau khổ là hậu quả của tội lỗi mà nếu nhân vật "Giêsu" là Đấng Thiên Sai Cứu Thế thì Người có thể cứu anh ta khỏi mù.

Trong câu trả lời của anh ta cho câu hỏi của Chúa Giêsu "anh muốn tôi làm gì cho anh?" rằng "xin cho tôi được thấy" cũng hàm chứa một ước vọng sâu xa của anh ta trong thời gian anh ta bị mù lòa, một thứ mù lòa về thể lý nhưng không thể bịt bùng tâm hồn chiêm niệm tràn đầy ánh sáng siêu nhiên của anh ta. Ước vọng được anh ta bày tỏ qua lời "xin cho tôi được thấy" đó là được thấy "ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12) là chính Chúa Giêsu, hơn là chỉ được thấy ánh sáng mặt trời, thấy lại những người thân yêu, thấy lại họ hàng thân hữu v.v. Đó là lý do, vì "xin cho tôi được thấy" "ánh sáng thế gian" mà ngay sau khi được chữa lại, được thấy lại, anh ta đã "đi theo Người và ca tụng Thiên Chúa". 

Về tình trạng mù lòa về thể lý được Chúa Kitô chữa lành trong bài Phúc Âm hôm nay, tiêu biểu cho tình trạng mù lòa thiêng liêng cũng cần được chữa lành bởi Người, một tình trạng mù quáng thiêng liêng vô cùng nguy hiểm và khốn nạn đến chính phần rỗi của con người, chẳng những của chung con người qua hai nguyên tổ ngay từ ban đầu, mà còn qua chính dân Do Thái được Thiên Chúa của tổ phụ họ tuyển chọn để làm dân riêng của Ngài và để Ngài có thể qua họ tỏ mình ra cho dân ngoại. Thế mà, qua giòng lịch sử cứu độ của họ, biết bao nhiêu lần họ đã mù quáng đến phản bội Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của mình, đến độ có 2 lần Ngài tính tiêu diệt họ (xem Xuất Hành 32:10; Đệ Nhị Luật 9:14; Dân Số 14:12). Thế mà họ vẫn chưa chừa, vẫn tiếp tục mù quáng chối bỏ Ngài và truất phế Ngài, nhất là dưới thời đế quốc Hy Lạp, như Bài Đọc 1 hôm nay cho thấy:

"Ngày rằm tháng Kislêu, năm một trăm bốn mươi lăm, vua Antiôcô đặt một ngẫu tượng ghê tởm ngay trên bàn thờ dâng của lễ toàn thiêu. Người ta cũng lập nhiều bàn thờ khác trong các thành lân cận của Giuđa: người ta đốt hương cúng tế trước cửa nhà và ở các công trường. Hễ gặp thấy sách luật nào, họ xé nát và đem đốt đi. Nếu người ta bắt gặp sách giao ước trong nhà người nào hoặc bắt gặp kẻ nào giữ Luật Chúa, thì kẻ ấy sẽ bị xử tử theo đúng chiếu chỉ của nhà vua... Dân Israel phải chịu một cơn thịnh nộ khủng khiếp".

Tuy nhiên, trong dân Do Thái không phải ai cũng bị mù quáng như vậy, trái lại "cũng có nhiều người Israel tỏ ra kiên quyết, và nhất định không ăn của gì dơ nhớp; họ thà chết chẳng thà làm cho mình ra ô uế bởi của ăn dơ và phạm đến Giao Ước thánh, và quả thực họ đã chết". Câu họa của bài Đáp Ca hôm nay phản ảnh tâm nguyện của thành phần sáng mắt tin tưởng này: 

 

"Lạy Chúa, xin bảo toàn cho con sống, và con sẽ tuân giữ lời nghiêm huấn của Ngài", một bài Đáp Ca (từ Thánh Vịnh 118) đồng thời cũng chất chứa tâm tình trung kiên của họ:

 

1) Con nổi cơn uất hận vì những người tội lỗi, bọn chúng bỏ rơi luật pháp của Ngài.

 

2) Thừng chão bọn ác nhân đã trói buộc con, nhưng con chẳng lãng quên luật pháp của Ngài.

 

3) Xin Chúa cứu con khỏi người ta áp bức, để con tuân giữ các huấn lệnh của Ngài.

 

4) Những kẻ bách hại con cách độc ác đang tiến lại gần, bọn chúng sống xa pháp luật của Chúa.

 

5) Ơn cứu độ của Chúa xa bọn ác nhân, vì chúng chẳng lo giữ những thánh chỉ của Ngài.

 

6) Nhìn thấy những kẻ phản bội mà con chán nản, vì chúng không tuân giữ lời sấm của Ngài.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
 

Thu.2.XXXIII.mp3 

 

Thánh Albertô cả, giám mục tiến sĩ Hội Thánh 

 

ĐTC Biển Đức XVI về vị thánh hôm nay ở cái link dưới đây 

 

24/3/2010 Bài 109 vể Thánh Albetô Cả  

 

LeThanhAlbertoCa.mp3 

 

https://youtu.be/bCWjDJVuGTI